Khám Phá 8 Loại Hình Thông Minh (P1)
05/ 02/ 2020 16:11:00 0 Bình luận
Việc giáo dục và nuôi dưỡng con luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc làm cha, làm mẹ. Giờ đây khi điểm số và thành tích học tập trên trường lớp không còn là yếu tố duy nhất xác định sự thông minh của một đứa trẻ, các bậc phụ huynh vẫn còn băn khoăn trong việc nhận biết nét tính cách và điểm mạnh của con mình để từ đó đầu tư, phát triển cho con.
Bài viết này, Cầu Vồng sẽ cung cấp cho các bậc phụ huynh thông tin đầy đủ về 8 loại hình thông minh đa diện ở trẻ lứa tuổi từ 2-6 tuổi để giúp bố mẹ có thể khám phá loại hình thông minh có ở con thông qua những biểu hiện cụ thể, từ đó có những hành động hỗ trợ để con phát riển tốt hơn.
Sơ lược về học thuyết trí thông minh đa diện
Thế kỉ XX là thời kỳ nở rộ của một loạt những khám phá khoa học có tính đột phá. Cũng từ đó, nhiều học thuyết đã ra đời, góp phần không nhỏ vào việc thay đổi cục diện thế giới. Lĩnh vực giáo dục- phát triển con người cũng không nằm ngoài sự tăng tốc này.
Các bằng chứng khoa học trong thế kỷ XX đã cho thấy trong não bộ con người không chỉ có một loại hình thông minh, mà thực chất có nhiều loại trí thông minh khác nhau, với những biểu hiện khác nhau. Đây chính là nền tảng cho sự ra đời của các học thuyết mới về giáo dục- phát triển con người. Trong đó nổi bật là thuyết trí thông minh đa diện (Multiple Intelligences).
Năm 1983, công trình Frames of Mind: he Theory of Multiple Intelligences (Tạm dịch: Cơ cấu trí não: Thuyết thông minh đa diện) được nhà tâm lý học Howard Gardner của Trường Giáo dục Harvard khởi xướng.Gardner cho rằng năng lực trí tuệ thiên bẩm của con người vốn bao gồm các loại trí thông minh đa diện, chúng phối hợp cùng nhau để nâng cao “tổng lực” sức mạnh trí não lẫn sức mạnh thể chất của mỗi cá nhân. Trong đó, bẩm sinh mỗi người đã có sẵn 8 loại trí thông minh sau:
- Trí thông minh ngôn ngữ
- Trí thông minh âm nhạc- nhịp điệu- tiết tấu
- Trí thông minh tương tác- xã hội
- Trí thông minh nhận thức bản thân
- Trí thông minh Logic- Toán học
- Trí thông minh tự nhiên
- Trí thông minh không gian- thị giác
- Trí thông minh vận động- cơ thể
Tiếp thu quan điểm trí thông minh đa diện của nhà tâm lý họ Howard Gardner, tiến sĩ Thomas Armstrong cùng nhiều tác giả đã nghiên cứu để đưa ra các phương pháp ứng dụng thuyết Trí thông minh đa diện vào việc giáo dục ở nhà trường, cũng như hướng dẫn cha mẹ cách hỗ trợ những đứa con yêu của mình phát huy hết tiềm năng trí não mà tạo hóa đã ban tặng cho mỗi bé.
1. Trí thông minh ngôn ngữ
1.1. Trí thông minh ngôn ngữ là gì?
Trí thông minh ngôn ngữ liên quan đến sự liên quan đến sự nhạy bén trong việc nhận ra ngữ nghĩa, vần điệu của từ ngữ, câu cú diễn đạt trong giao tiếp và viết văn bản. Trí thông minh ngôn ngữ nằm ở não trái; thùy trán trái kiểm soát khả năng nói, còn thùy thái dương trái điều khiển sự hiểu ngôn ngữ.
Với trẻ nhỏ, trí thông minh ngôn ngữ được thể hiện thông qua khả năng vận dụng vốn từ, vốn ngữ pháp để thể hiện suy nghĩ, tình cảm.
1.2. Những biểu hiện của trí thông minh ngôn ngữ
Trẻ nổi trội về trí thông minh ngôn ngữ sẽ có những biểu hiện sau đây.
- Bé bị thu hút vào những cuộc đối thoại ngay từ khi còn nhỏ
- Bé thích nghe những âm thanh có vần điệu, thích chơi các trò chơi ngôn ngữ như xếp chữ, đố chữ
- Bé nhạy bén với các thông tin liên quan đến chữ, lời nói, thích đọc sách, ghi nhớ tốt tên người, tên địa danh
1.3. Những hoạt động bổ trợ giúp trẻ phát huy trí thông minh ngôn ngữ
Ngôn ngữ gắn liền với cuộc sống hằng ngày nên cha mẹ là người quan trọng nhất giúp bé phát huy loại hình trí thông minh này thông qua các hoạt động thường ngày như:
-Thường xuyên trò chuyện với con
- Dành thời gian kể chuyện, đọc sách cho con nghe
- Nếu bé đã có thể đọc thông thạo, cha mẹ nên cho bé tiếp xúc với các không gian sách bên ngoài như nhà sách, thư viện ...
- Khuyến khích trẻ viết nhật kí đối với các bé từ 7,8 tuổi trở lên
- Cho phép trẻ được tự do bày tỏ ý kiến của mình
- Khuyến khích trẻ tham gia những cuộc thi viết văn, làm thơ,...
2. Trí thông minh âm nhạc
2.1. Trí thông minh âm nhạc là gì?
Đây là loại trí thông minh phát triển sớm nhất ở con người, đó là sự nhạy bén trong việc thụ cảm, ghi nhớ âm thanh, nhịp điệu, biết thưởng thức các dạng biểu cảm của âm nhạc.Khả năng bắt chước âm thanh, hát một bài hát chuẩn xác cũng thể hiện sự nổi trội của trí thông minh loại này.
2.2. Những biểu hiện của trí thông minh âm nhạc
- Tiết tấu, giai điệu luôn thu hút bé: bé thích nghe hát ru, hay thích chơi những đồ chơi phát ra âm thanh; bé thích nhún nhảy, lắc lư hay hát theo nhạc,...
- Có một số kỹ năng âm nhạc nổi trội so với các bạn đồng trang lứa
- Bé tỏ ra dễ chịu, thư thái trong môi trường có âm nhạc, giai điệu
2.3. Những hoạt động bổ trợ giúp trẻ phát huy trí thông minh âm nhạc
- Mẹ hãy hát ru cho bé ngủ
- Cho trẻ tham gia vào những hoạt động âm nhạc như tham gia đội văn nghệ ở trường, ở nhà văn hóa thiếu nhi
- Tạo cho bé một bộ sưu tập các bản nhạc thiếu nhi mà bé yêu hích để cùng nghe và tập cho bé hát mỗi ngày
- Cho bé tập một loại nhạc cụ mà bé thích
3. Trí thông minh tương tác xã hội
3.1. Trí thông minh tương tác xã hội là gì?
Trí thông minh tương tác xã hội là năng lực thấu hiểu và tương tác với người khác. Người nổi trội về loại trí thông minh này rất giỏi trong việc “đọc” ý nghĩ và tư tưởng của người khác, có khả năng khích lệ và nâng đỡ người khác, đem lại sự thuận lợi cho những công việc liên quan tới mối quan hệ giữa người và người.
Loại hình trí thông minh này giúp con người dễ đạt được những thành công lớn trong cuộc sống. Bởi vì, việc hòa nhập được với đa dạng loại người trong xã hội cho thấy khả năng thích ứng tốt với môi trường sống, kế đến là khả năng chấp nhận sự khác biệt giữa những cá nhân, từ đó dẫn đến sự thấu cảm, biết đặt mình vào vị trí của người khác để đưa ra được cách ứng xử phù hợp.
3.2. Những biểu hiện của trí thông minh tương tác- xã hội
- Thích gặp gỡ, gần gũi với người khác
- Một số trẻ cho thấy sở thích làm lãnh đạo như lớp trưởng, nhóm trưởng, đội trưởng
- Tỏ ra thích chia sẻ, khuyên bảo bạn bè thậm chí với cả cha mẹ nữa
- Thích thể hiện sự khôn ngoan lanh lợi trong giao tiếp bằng lời nói và hành động.
- Thích rủ bạn bè chơi cùng, thích chơi những trò chơi nhóm, tập thể
- Thích đi ra ngoài, thích đi công viên,... để gặp gỡ bạn bè hay làm quen bạn mới
3.3. Những hành động bổ trợ giúp phát triển loại hình thông minh tương tác xã hội
- Hàng ngày hãy dành thời gian kể chuyện, đọc sách có những nhân vật luôn làm những việc tốt, việc có ích cho xã hội
- Cha mẹ dành thời gian chơi cùng con hoặc khuyến khích con tham gia những trò chơi cùng bạn bè
- Tạo môi trường ho bé tham gia làm việc trong nhà phù hợp với lứa tuổi.
(Còn tiếp)