Bảo Vệ Trẻ Tránh Bị Viêm Phổi Mùa Lạnh
08/ 11/ 2019 17:24:00 0 Bình luận
TS. BS. Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô Hấp (BV Nhi Đồng 1), chia sẻ những bí quyết mà các bậc phụ huynh cần biết để bảo vệ sức khỏe của con trẻ, giảm nguy cơ nhập viện vì viêm phổi trước mùa lạnh.
Hiện nay không chỉ phía Bắc bước vào mùa giá rét, thời tiết các tỉnh thành phía Nam cũng trở lạnh tạo điều kiện cho các bệnh về phổi xuất hiện, đặc biệt là ở trẻ em. Ước tính, trẻ nội trú tại khoa Hô hấp (BV Nhi Đồng 1) mỗi ngày từ 240 – 300 em.
Để hiểu rõ hơn về bệnh và có bí quyết phòng tránh bệnh viêm phổi mùa lạnh cho con, các bậc phụ huynh hãy xem những lưu ý dưới đây nhé:
Hai nhóm bệnh chính
BS. Tuấn cho biết, “Nhóm bệnh đầu tiên là nhiễm trùng hô hấp cấp tính, nhẹ thì viêm hô hấp trên, viêm phổi, viêm họng, viêm tai giữa….; nặng là các trường hợp viêm hô hấp dưới, đặc biệt ở trẻ em, phải lưu ý tới hai bệnh hàng đầu là bệnh viêm tiểu phế quản và viêm phổi. Hai bệnh này có thể khiến trẻ nhập viện điều trị, thậm chí tử vong do biến chứng viêm phổi nặng.”
Nhóm bệnh thứ hai là dị ứng đường hô hấp liên quan đến thời tiết lạnh như thế này là viêm mũi xoang dị ứng và hen suyễn. Nếu không được chăm sóc và phòng ngừa tốt, có khả năng trẻ mắc hen suyễn có thể bị lên cơn nặng khi trời trở lạnh.
Giữ ấm trẻ đúng cách
Theo BS. Tuấn, đây là một biện pháp đơn giản nhưng bảo vệ sức khỏe cho trẻ rất hữu hiệu, đặc biệt ở trẻ nhỏ tuổi dưới 12 tháng tuổi, nhất là các cháu sơ sinh. Sau nữa là đối tượng là các cháu có bệnh mạn tính như tim bẩm sinh, dị tật bẩm sinh, não, …
“Giữ ấm phải hợp lý và đúng mức tùy theo mức độ lạnh của từng địa phương. Ví dụ, TP.HCM lạnh vừa phải như thế này, một cái áo ấm hay một cái áo khoác vừa phải là hợp lý. Nhưng ở các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, trẻ cần mặc cho thật sự đủ ấm như phải mang cả găng tay, tất, nón hoặc khăn quàng cổ…, đặc biệt tránh cho trẻ ra ngoài vào thời điểm lạnh nếu không thật sự cần thiết. Lưu ý, tránh sử dụng các phương tiện giữ ấm có thể gây hại cho trẻ như mặc quần áo quá dày. Trẻ càng ho, quần áo quá dày khiến trẻ thở ra khó khăn hơn, quan trọng hơn, các bậc phụ huynh không thể theo dõi và kiểm soát được nhịp thở của trẻ, khó nhận biết khi nào trẻ có thể chuyển biến nặng để kịp thời đưa trẻ đi viện,” BS. Tuấn cảnh báo.
Đặc biệt, hàng năm, vào mùa này, đặc biệt ở vùng sâu hay vùng núi thường có thói quen sử dụng than hoặc than tổ ong để sưởi ấm và thường đưa đến những trường hợp thương tâm như bỏng, ngạt thở hay thậm chí tử vong.
Tắm trẻ vào mùa lạnh như thế nào?
Giữ vệ sinh là điều cần thiết và cũng phụ thuộc vào điều kiện thời tiết bên ngoài. Lạnh vừa phải, chúng ta có thể tắm cho trẻ vào thời điểm ấm nhất trong ngày. Khi tắm cho trẻ phải cố gắng đóng cửa tránh gió lùa. Không nên ngâm hết cả mình trẻ vào trong nước mà nên tắm từng phần. Tắm đến đâu lau khô người đến đó và sau đó cho trẻ mặc quần áo khô thoáng, tay dài đủ ấm.
Ở các tỉnh phía Bắc, có khi 2 – 3 ngày mới tắm toàn diện cho trẻ. Còn không, các bậc phụ huynh nên sử dụng nước ấm để lau người cho trẻ.
Tránh tiếp xúc với người bệnh
Ngoài ra, nên tránh cho trẻ tiếp xúc gần gũi với một người đang mắc bệnh cảm ho, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ như đã đề cập ở trên. Đơn cử, đối với bệnh viêm tiểu phế quản là một bệnh do virut gây ra. Loại virut này tấn công mọi người, từ trẻ nhỏ đến người lớn. Nhưng với trẻ lớn trên 2 tuổi mà mắc phải virut này có thể là cảm ho xoàng, vài ngày sẽ khỏi; còn ở trẻ nhỏ hơn, 90% bị viêm tiểu phế quản, tuổi càng nhỏ càng nặng nhất là em bé dưới 3 tháng tuổi.
Cảm, ho, sổ mũi: Bệnh thời tiết tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Trong thời gian qua, một vài ca sốt xuất huyết nhưng có triệu chứng ban đầu là cảm, ho, sổ mũi; nên thường bị lầm với bệnh thời tiết. Bệnh nhân rất đa dạng, nên bao giờ cũng phải cảnh giác. Trong nhi khoa, ngoài những triệu chứng căn bản, chúng ta cũng phải lưu tâm đến những dấu hiệu cảnh báo, có thể xuất hiện không chỉ trong những bệnh do nhiễm trùng hô hấp mà còn nhiều bệnh khác để đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Ví dụ, trẻ bị co giật có thể do viêm hô hấp nhưng cũng có thể do viêm não – màng não; hoặc trẻ ngủ li bì; hoặc trẻ bị nôn, không bú được… Trẻ sốt cao (39 – 40oC) kéo dài liên tục trên 3 ngày cũng nhất thiết phải đi khám.
Ăn uống
Chế độ dinh dưỡng đảm bảo đủ chất, giúp tăng đề kháng cho trẻ chống lại mọi bệnh tật, chứ không chỉ riêng hô hấp. Một chế đọ ăn nhiều rau xanh và hoa quả cùng đầy đủ các nhóm thực phẩm giàu protein, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất,… sẽ giúp cơ thể bé có sức đề kháng khỏe mạnh để chống chọi lại mọi căn bệnh mùa lạnh.
Tham khảo những loại vitamin và khoáng chất mẹ cần bổ sung để bé khỏe mạnh vào mùa đông tại đây:
http://cauvong.vn/nhung-loai-vitamin-va-khoang-chat-giup-tre-luon-khoe-manh-vao-mua-dong/
Tiêm chủng
Cần tiêm ngừa cúm, phế cầu sớm vì hiệu quả của chủng ngừa phải mất hơn ba tuần lễ, đặc biệt trẻ có bệnh mạn tính, người lớn tuổi, bệnh nhân hen suyễn, vì trong thời tiết lạnh, bệnh cúm và cả viêm phối có thể đến bất cứ lúc nào.
Hãy theo dõi Cầu Vồng để cập nhật những kiến thức chăm sóc và nuôi dạy con toàn diện nhé!
(theo Báo Sức khỏe và đời sống)