GIÚP TRẺ TẠO LẬP TÍNH TỰ GIÁC
04/ 07/ 2019 14:07:00 0 Bình luận
Rèn cho trẻ tính tự giác từ nhỏ chính là cách tốt nhất giúp con tự chủ hơn trong cuộc sống sau này. Hiện nay, có rất nhiều phụ huynh lo lắng về việc bé nhà mình ít tự giác trong việc học tập cũng như sinh hoạt trong đời sống thường ngày. Nếu không có sự nhắc nhở, thúc giục, bé rất hiếm khi chủ động giúp đỡ bố mẹ công việc vặt của gia đình.
Vì vậy, có 3 câu hỏi được đặt ra :
- Khi nào thì có thể dạy trẻ tính tự giác ?
- Dạy trẻ tính tự giác như thế nào ?
- Dạ trẻ tính tự giác trong bao lâu ?
Hãy cùng Cầu Vồng giải đáp các thắc mắc trên nhé !
I. KHI NÀO THÌ CÓ THỂ DẠY TRẺ TÍNH TỰ GIÁC?
Ý thức về bản thân của một đứa trẻ được hình thành khi bé bắt đầu chập chững từng bước đi để khám phá thế giới xung quanh. Nhưng sự nhận thức được phát triển ở mức độ cao hơn và rõ rệt hơn là khi trẻ bắt đầu bước sang tuổi thứ 3 - khởi đầu Giai đoạn vàng trong tiến trình phát triển của bé, là cột mốc đánh dấu nhiều sự thay đổi mới của con. Vì vậy, để có thể hướng dẫn nhằm giúp trẻ hành động và ý thức về tính tự giác, thì các bậc cha mẹ nên bắt đầu trong giai đoạn xung quanh 3 tuổi, những kĩ năng bé được học sẽ tạo nền tảng học tập hay làm việc rất tốt cho trẻ sau này.
Ở giai đoạn này, bé biết quan sát, nhận biết sự khác nhau giữa các đồ vật, bắt đầu mở rộng mối quan hệ với những trẻ khác, biết quan tâm đến mọi người và sự kiện xung quanh mình, biết chơi chung với bạn bè. Do vậy, đây sẽ là thời điểm thích hợp để giúp trẻ có được những ý thức về tự giác và bắt đầu có sự phát triển về trí tuệ cảm xúc cũng như về tư duy logic.
II. DẠY TRẺ TÍNH TỰ GIÁC NHƯ THẾ NÀO?
Tâm hồn trẻ giống như một trang giấy trắng, bất cứ ai cũng có cảm giác muốn vẽ hay viết cái gì lên đó. Nhưng việc vẽ hay viết thế nào cho hay và ý nghĩa lại là vấn đề chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ. Tương tự như khi muốn dạy cho trẻ ý thức tự giác, chúng ta phải biết dùng cách nào, công cụ nào để vẽ lên tờ giấy đó những hình ảnh hữu ích, nếu không thì chính chúng ta đang bôi bẩn tâm hồn đứa trẻ!
1. Trước hết, bố mẹ hãy để cho con có quyền lựa chọn.
Đưa ra một công việc và hãy để con được lựa chọn cách thực hiện. Trong quá trình con làm, bố mẹ sẽ là người giám sát, hướng dẫn. Khi bé đã làm được thì có hai điều mà phụ huynh cần lưu ý: Hãy để cho trẻ tự làm, thậm chí có thể có những sai sót vì có như thế, con mới biết rút kinh nghiệm và cho dù thời gian có dài gấp đôi nhưng chúng ta cũng nhất quyết là không nên can thiệp vào. Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc dạy trẻ thất bại, vì cha mẹ thường không kiên nhẫn đối với trẻ, để rồi tự mình hoàn tất công việc trong tích tắc.
2. Tiếp theo, bố mẹ nên lập thời khóa biểu cho con.
Bé không thể hình thành sự tự giác nếu các hoạt động thường xuyên thay đổi về thời gian và cách thức. Vì vậy, bố mẹ hãy lập thời khóa biểu dành riêng cho con để con nhìn vào đó và tự giác thực hiện. Đồng thời, các thành viên trong gia đình cũng làm theo thời khóa biểu ấy để con thấy được sự tôn trọng và nghiêm túc.
3. Cuối cùng, để con cùng làm.
Một trong những biện pháp nâng cao tự giác là cho trẻ từng bước tham gia vào các hoạt động trong gia đình, như trong việc dọn dẹp, làm bếp, lau nhà, giặt quần áo..v.v. Chúng ta có thể nhờ bé làm một số việc nhỏ vừa sức và sau đó vừa làm vừa hướng dẫn thêm cho bé. Có thể bé chưa giúp được nhiều nhưng sẽ tạo cho con ý thức biết chia sẻ công việc.
Thay vì ra lệnh " Con phải làm như thế này....nếu không mẹ sẽ...", hãy thử tạo thói quen tự giác cho bé thông qua các trò chơi thú vị như hóa thân vào nhân vật hoạt hình vì khi hoạt động thường ngày biến thành trò chơi, con sẽ rất thích thú và nghiêm túc tham gia đấy.
III. DẠY TRẺ TÍNH TỰ GIÁC TRONG BAO LÂU?
Chắc hẳn là chúng ta sẽ tự nhủ, chuyện dạy trẻ những việc như đánh răng, rửa mặt, xếp quần áo, giữ bàn học gọn gàng,... là những chuyện nhỏ, dạy qua vài lượt là trẻ nhớ chứ. Điều này đúng, nhưng chưa đủ vì thực tế còn phụ thuộc vào khả năng tiếp thu của từng bé. Vì thế mà nó đòi hỏi việc bố mẹ phải thật kiên nhẫn và đừng tiếc lời khen ngợi khi con tiến bộ, cũng như động viên khi con chưa làm tốt.
Như vậy để hình thành một tính cách, chắc chắn không thể là những tác động nhanh chóng mà đó là một quá trình giáo dục bền bỉ, đi từ những chuyện nhỏ, kéo dài từ năm này qua năm khác. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta phải kè kè theo trẻ, hướng dẫn cho trẻ hết chuyện này sang chuyện khác, mà trong các năm tháng tiếp theo chỉ là sự quan tâm mang tính giám sát, hỗ trợ và đồng hành cùng trẻ.
Vậy nên, rèn tính tự giác là điều vô cùng cần thiết và quan trọng đối với trẻ. Ngay từ bé, nếu trẻ không được rèn tính tự giác dẫn đến sự thiếu tự tin, hay nói cách khác sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển ngôn ngữ của bé sau này. Đặc biết đối với những bé chuẩn bị vào lớp một thì " kĩ năng tự giác " sẽ là một trong những hành trang thiết yếu cho bé trước khi bắt đầu bước vào " thế giới mới ".
Sẽ đến một thời điểm nhất định, bố mẹ nên để cho bé tự xoay sở, tự làm và tự chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm. Điều quan trọng là khi con đã có được những khả năng cơ bản, những kiến thức và kinh nghiệm tối thiểu, thì chúng ta phải biết tin vào trẻ. Chính sự tin tưởng vào khả năng của trẻ sẽ là một động cơ tích cực giúp trẻ phát huy được ý thức tự giác một cách rất " tự giác ". Hãy tin tưởng vào con bố mẹ nhé!
Đọc và tham khảo các bài viết khác tại đây!