PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CHO TRẺ NGAY TỪ LỨA TUỔI MẦM NON
19/ 06/ 2019 11:49:00 0 Bình luận
- Giai đoạn 1 - 1,5 tuổi : Trẻ đã có khả năng lý giải ngôn ngữ, hiểu được một số từ mà người lớn sử dụng và khả năng giao tiếp bắt đầu hình thành.
- Giai đoạn 1,5 – 3 tuổi : Trẻ bước vào giai đoạn phát triển ngôn ngữ tích cực và có những bước tiến vượt bậc.
- Giai đoạn 3 - 5 tuổi : Trẻ đã có thêm rất nhiều vốn từ được tiếp thu từ mọi sự vật, sự việc ở môi trường xung quanh. Đây được coi là " Giai đoạn vàng " trong tiến trình phát triển của trẻ. Vì vậy ở giai đoạn này, các bậc phụ huynh cần chú trọng áp dụng phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ phù hợp và hiệu quả nhất.
MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CHO TRẺ NGAY TỪ LỨA TUỔI MẦM NON
I. ĐỌC SÁCH CÙNG CON
Ở độ tuổi này, các con học được nhiều từ mới bằng cách lắng nghe bố mẹ và những người khác trò chuyện , hoặc qua truyện kể mỗi tối trước khi đi ngủ.
Những câu chuyện mà cha mẹ đọc hàng ngày giúp con xây dựng thế giới của riêng mình - một thế giới thông qua trí tưởng tượng dựa vào nội dung của từng cuốn truyện, cuốn tạp chí. Mặt khác, trong các quyển sách, tạp chí thiếu nhi, từ ngữ thường đi kèm với giai điệu và hình ảnh sinh động, giúp trẻ dễ dàng thẩm thấu, tăng khả năng tư duy.
Đọc sách cùng con chính là cách tốt nhất mang đến cho bé thế giới từ vựng phong phú và cách sử dụng từ ngữ phù hợp với ngữ cảnh. Những câu chuyện dễ hiểu, gần gũi sẽ kích thích khả năng tư duy, tập tính kiên nhẫn và dạy cho con về tình yêu thương.
Không chỉ vậy, khi con tiến tới một giai đoạn phát triển quan trọng trong đời hoặc sắp sửa trải qua những trải nghiệm căng thẳng, đọc cho con nghe một câu chuyện với tình huống tương tự sẽ là biện pháp hữu hiệu giúp bé có tâm thế thoải mái trong giai đoạn chuyển tiếp này.
Với những lợi ích trên, chúng tôi tin rằng Ấn phẩm Cầu Vồng sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo giúp bố mẹ xích lại gần con, cùng con đọc và tìm hiểu, chia sẻ mọi thứ .
II. VUI CHƠI CÙNG CON
Nếu như đọc sách truyện, tạp chí là cách mang đến cho con vốn ngôn ngữ sách vở thì vui chơi lại giúp trẻ biết giao tiếp theo cách tự nhiên, gần gũi, biểu lộ cảm xúc và tăng khả năng vận động. Thông qua mỗi trò chơi, bé sẽ phát huy trí tưởng tượng của mình và dùng ngôn ngữ đã học được để diễn đạt điều đó.
Bố mẹ không thể tự nhiên đưa một món đồ chơi mà bảo với con rằng "Con chơi đi" mà thay vào đó, trẻ rất cần sự tương tác, chơi đùa với bố mẹ. Vì vậy bố mẹ nên trực tiếp chơi cùng con và giải thích, giới thiệu về mọi thứ xung quanh trò chơi đó cho con.
Đối với những trò chơi đơn giản như bộ đất nặn, đuổi hình bắt chữ, bộ rối tay ngộ nghĩnh, chơi đồ hàng, nối từ và tìm từ có nghĩa,.... bố mẹ hãy ngồi lại vui chơi cùng con để từ đó kết hợp bổ sung vốn từ ngữ phong phú cho bé. Điều này sẽ giúp con phát triển khả năng ngôn ngữ và học được cách tương tác, đàm phán, hợp tác, chia sẻ, và những kỹ năng sống quan trọng khác.
Đằng sau những trò chơi đơn giản, trẻ tự tích lũy cho mình rất nhiều thứ : cách giải quyết vấn đề, cách xây dựng kỹ năng, cách vượt qua những thách thức về thể chất và cả tinh thần. Chính vì vậy, chơi cùng con chính là cách đơn giản và hữu ích nhất để bố mẹ đồng hành cùng hành trình lớn lên và trưởng thành của các con.
III. TẠO CƠ HỘI CHO CON RA NGOÀI VÀ QUAN SÁT XUNG QUANH
Thế giới quan là vô cùng đa dạng, phong phú, ở giai đoạn này các con thích tò mò, khám phá .Vì thế mà việc đưa trẻ đi đến những nơi có bầu không khí trong lành, nhiều cây xanh như công viên, khu vui chơi… không chỉ giúp trẻ được hòa nhập với thiên nhiên mà còn là cơ hội để giới thiệu đến con những điều mới mẻ.
Bố mẹ có thể để con tự do chạy nhảy và khám phá, sau đó hỏi xem con đã quan sát và thấy được những gì. Cứ thế, trong cuộc sống bố mẹ hãy luôn đóng vai cô giáo,thầy giáo chỉ cho con mọi thứ. Chỉ cần bố mẹ để tâm lưu ý, nghe và nói cùng con, con sẽ nhanh chóng có được vốn từ phong phú.
IV. ÂM NHẠC - KHÔNG CHỈ LÀ GIẢI TRÍ
Đối với các bé, âm nhạc có thể ví như nguồn sữa nuôi dưỡng tinh thần của bé ngay từ khi lọt lòng mẹ và nó có vai trò đặc biệt trong giai đoạn trẻ ở tuổi mầm non. Những giai điệu vui tươi, trầm bổng, sự phong phú của âm hình, tiết tấu và màu sắc âm thanh của các thể loại âm nhạc đưa các con vào thế giới của cái đẹp một cách hấp dẫn và thú vị.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ thì: đối với trẻ ở lứa tuổi mầm non, âm nhạc là môn học giúp trẻ phát triển toàn diện nhất. Âm nhạc có thể giúp con phát triển nhận thức, ngôn ngữ, hòa nhập được với thế giới bên ngoài từ gia đình, cộng đồng, nhà trường và xã hội.
Chính những hiện tượng của cuộc sống, những truyền thống văn hóa được phản ánh trong các tác phẩm âm nhạc làm phong phú thêm vốn hiểu biết của bé. Trong khi tập hát, bé không chỉ tiếp thu những đường nét, giai điệu, tiết tấu âm nhạc, lời ca giản dị dễ hiểu gần gũi với bé mà còn giúp con phát triển ngôn ngữ.
Theo giáo sư Michael Schulte - Markwort, thuộc Viện Tâm lý trẻ em ở bệnh viện của đại học Hamburg, Đức thì: “Âm nhạc giúp trung tâm xử lý ngôn ngữ của não phát triển tốt, khiến trẻ có thể bộc lộ khả năng âm nhạc ở độ tuổi sớm nhất, phục vụ cho việc học và nói sớm hơn những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình không có cơ hội tiếp cận với âm nhạc”
Hy vọng rằng, với các phương pháp trên, các bậc phụ huynh có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, giáo dục, bồi dưỡng, phát triển ngôn ngữ, đặc biệt là đem lại những giá trị tốt đẹp nhất cho con trẻ !