8 bệnh trẻ hay mắc vào thời điểm giao mùa
11/ 10/ 2018 08:47:00 0 Bình luận
Giao mùa là thời điểm trẻ thường mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp và tiêu hóa, các bậc cha mẹ cần lưu ý để phòng tránh cho con trẻ. Dưới đây là 8 bệnh trẻ hay mắc vào thời điểm giao mùa và triệu chứng của nó, mời bạn đọc cùng theo dõi.
Bệnh viêm đường hô hấp
Bệnh viêm đường hô hấp là căn bệnh rất hay xảy ra ở trẻ khi thời tiết chuyển mùa, các bé do hệ thống miễn dịch cơ thể còn yếu nên dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, sổ mũi, viêm xoang cấp…
Thông tin trên báo Phụ nữ, trung bình người trưởng thành có thể bị viêm đường hô hấp trên khoảng 2 – 4 lần mỗi năm và con số này còn cao hơn rất nhiều đối với trẻ em. Theo thống kê được nghiên cứu bởi các tổ chức y tế Hoa Kỳ, mỗi năm trẻ có thể bị viêm đường hô hấp trên cấp tính đến 10 lần.
Tùy theo từng lứa tuổi và cơ địa của trẻ và tác nhân gây bệnh mà bệnh có biểu hiện và mức độ khác nhau.
Viêm mũi họng do virus
Sau khi bị lây nhiễm 1 – 2 ngày, trẻ bắt đầu có biểu hiện của cảm lạnh với các triệu chứng thường gặp như: Ngạt mũi, hắt hơi, nhảy mũi, chảy nước mũi. Ban đầu bé sổ mũi trong, sau đó nước mũi chuyển sang màu trắng đục, xanh hoặc vàng trong vòng 2 – 3 ngày.
Trẻ có thể biếng ăn, ăn uống ít lại, khóc khi ăn do bị đau họng, nuốt khó, nuốt vướng.
Ho xuất hiện sau 4- 5 ngày do họng bị kích thích và nước mũi chảy xuống họng.
Bên cạnh đó trẻ có thể sốt (thường chỉ sốt nhẹ, nhưng đôi khi có thể lên đến 39-40°C), nhức đầu, viêm kết mạc mắt (sợ ánh sáng, mắt đỏ, đau, ngứa và chảy nước mắt), hơi thở hôi, đau cơ, mệt mỏi, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy…
Thông thường các triệu chứng trên sẽ cải thiện trong vòng 7 ngày và bé sẽ nhanh chóng hồi phục.
Viêm họng do vi khuẩn
Không có một tiêu chuẩn chắc chắn để phân biệt giữa viêm họng do virus hay vi khuẩn. Tuy nhiên, khả năng viêm họng do vi khuẩn được nghĩ đến khi triệu chứng viêm mũi họng kéo dài hơn 10 ngày hay tình trạng sức khỏe bé trở nên xấu đi sau 5-7 ngày đầu.
Viêm mũi xoang cấp ở trẻ
Biểu hiện thường tương tự với viêm mũi họng cấp nhưng triệu chứng dường như cải thiện trong vòng một tuần sau đó lại trở nên xấu đi.
Trẻ ngạt mũi, sổ mũi nhiều và kéo dài, nước mũi đục có màu vàng hoặc xanh. Tuy nhiên màu sắc của nước mũi không giúp ích nhiều cho việc chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh. Nếu tình trạng viêm mũi kéo dài trẻ có thể bị giảm hay mất khả năng nhận biết mùi.
Đôi khi trẻ có thể mô tả được cảm giác nặng đầu, đau sau hốc mắt, đau tức vùng mặt, đau răng….
Trẻ có cảm giác rát hay khô họng do họng bị kích thích bởi dịch nhầy từ trên mũi xuống hay mũi bị ngạt mũi nhiều khiến trẻ phải thở bằng miệng.
Ngoài ra trẻ còn có thể sốt, ho (ho thường vào ban ngày, kéo dài trên 10 ngày), hôi miệng, mệt mỏi…
Trẻ bị viêm thanh thiệt cấp
Theo thống kê, tỉ lệ trẻ viêm thanh thiệt ở từng quốc gia khác nhau. Trung bình cứ 100.000 trẻ sẽ có 6 -14 trẻ mắc bệnh. Độ tuổi mắc bệnh thường trong khoảng 2-7 tuổi, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi lên ba.
Bệnh do vi khuẩn Hemophilus influenzae gây ra. Triệu chứng xuất hiện đột ngột, trẻ có các triệu chứng như sốt cao; hạch cổ hai bên; miệng ứ đọng nhiều nước bọt do đau họng, nuốt vướng, nuốt khó; thay đổi giọng nói hay mất tiếng; ho khan, khó thở… Bệnh diển tiến nhanh và nặng, nếu không được điều trị kịp thời trẻ có thể tử vong do nhiễm trùng, nhiễm độc, suy hô hấp.
Bệnh viêm phế quản
Thường thì ở độ tuổi nào cũng có thể bị mắc các bệnh về viêm phế quản. Nhưng đối với trẻ em thì tỷ lệ mắc sẽ nhiều hơn và có thể biến chứng thành bệnh trầm trọng hơn. Khi thời tiết thay đổi thì trẻ rất dễ bị viêm họng hoặc viêm mũi. Nếu như không chữa trị kịp thời và hiệu quả thì trẻ sẽ bớt năng động và hiếu động hơn.
Có rất nhiều trường hợp ban đầu trẻ mắc bệnh chỉ sổ mũi trong, ho nhẹ nhưng nếu như cha mẹ không chữa trị ngay mà để bệnh kéo dài,hay có những phương pháp điều trị không đúng sẽ khiến cho trẻ dễ bị nhiễm trùng lan rộng và ngày càng sâu hơn vào phế quản phổi, phế nang rất nguy hiểm với nhiều biểu hiện như sốt cao, ho khạc, ho đàm đặc, có màu xanh hoặc vàng, nằm li bì.
Chăm sóc/ Phòng bệnh:
Đối với những trẻ bị viêm phế quản,việc chăm sóc trẻ nên có những lưu ý sau:
Luôn giữ ấm cơ thể cho trẻ, đặc biệt là vào ban đêm.
Chú ý chế độ dinh dưỡng, bổ sung nhiều nước và rau tươi. Trẻ bị viêm phế quản thường tiêu hóa kém nên cơ thể không hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng, vì thế, khi nấu thức ăn cho trẻ, người lớn nên chia thành nhiều bữa nhỏ và nấu dạng lỏng để trẻ tiêu hóa dễ dàng hơn.
Nếu trong quá trình điều trị mà trẻ xuất hiện nhiều đờm,người lớn nên khuyên trẻ nhổ ra ngoài chứ không được nuốt. Nên để trẻ nằm nghiêng để dễ thở và cũng thuận lợi cho quá trình đào thải các chất nhầy trong cơ thể.
Người lớn nên chú ý, tuyệt đối không nhiệt độ cơ thể trẻ lên quá 38,5 độ. Khi con sốt cao, hãy kịp thời hạ sốt, lấy nước mát để làm dịu cơ thể và cho trẻ mặc đồ thoáng.
Để trẻ nằm phòng thoáng, đủ ánh sáng và duy trì độ ẩm nhất định giúp trẻ không gặp khó khăn khi hô hấp.
Đặc biệt, khi trong nhà có trẻ bị viêm phế quản thì người lớn tuyệt đối không được hút thuốc vì điều này gây bất lợi cho quá trình điều trị bệnh.
Bệnh cảm/cúm
Tri Thức Trực Tuyến thông tin, trẻ em là đối tượng thường mắc căn bệnh này nhiều do hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện. Bệnh cúm là một loại bệnh thường xuyên mà nguyên nhân chính bởi virus cúm tấn công vào cơ thể trẻ và dễ dàng gây bệnh. Biểu hiện của bệnh cúm mà người hay thấy nhất là sốt nhẹ, có thể ớn lạnh, đau đầu, chóng mặt, ho, đau họng, nghẹt mũi, chán ăn, đặc biệt là hắt hơi nhiều và chảy nước mũi trong. Bệnh nặng hay nhẹ phần nhiều là do sức đề kháng của trẻ. Nhiều trẻ có sức đề kháng tốt thì bệnh sẽ mau khỏi nhanh.
Triệu chứng:
Khi cảm thường bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, ho, sưng họng hoặc mệt mỏi. Bệnh cúm thường có triệu chứng sốt, đau các cơ, ho khan, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau đầu và mệt mỏi…nếu kèm theo sốt cao thì phải đưa đi khám ngay vì dễ bị biến chứng gây nguy hiểm đường hô hấp.
Chữa trị:
Không có thuốc nào chữa 2 loại bệnh trên nhưng hãy cho trẻ nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Với trẻ lớn nên cho trẻ nghỉ học vài ngày.
Hiện đã có vắc xin phòng cúm nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa trẻ đi tiêm.
Phòng tránh:
Trang phục của trẻ cần được thay đổi phù hợp với thời tiết.
Khuyến khích trẻ tham gia hoạt động thể thao để có cơ hội hít thở không khí trong lành, tăng cường trao đổi chất.
Giữ không khí trong nhà luôn thoáng mát, không ẩm mốc.
Đối với trẻ những tháng đầu đời thì hãy cho con bú sữa mẹ. Trẻ bắt đầu ăn dặm được thì nên bổ sung nhiều rau, hoa quả và cho trẻ ăn chín.
Chú ý tới giấc ngủ của trẻ. Hãy đảm bảo trẻ ngủ trong môi trường thoáng gió và thoải mái.
Sốt virus
Bệnh thường gặp trong điều kiện thời tiết giao mùa
Biểu hiện của bệnh là trẻ bị sốt, ho kéo dài.
Bệnh không có biến chứng, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ nhưng cần chăm sóc và dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.
Không nên cho trẻ sử dụng kháng sinh, tránh những tác dụng phụ khi dùng thuốc như rối loạn tiêu hóa, nổi ban hay kháng thuốc.
Khi bị sốt virus, hãy đến khám ngay tại các cơ sở y tế để có hướng dẫn điều trị, không nên tự ý mua thuốc điều trị.
Rối loạn tiêu hóa
Bệnh phát sinh do điều kiện thời tiết cộng với sự sinh sôi nảy nở của côn trùng (ruồi, muỗi) và các loại vi khuẩn nên khiến thực phẩm rất dễ hư hỏng, đồng thời, lây lan các mầm bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt ngộ độc thực phẩm và tiêu chảy cấp.
Nhiễm độc thực phẩm có thời gian ủ bệnh rất ngắn, chỉ khoảng từ 30 phút đến 3 giờ sau bữa ăn. Biểu hiện chung là nôn, đau bụng từng cơn, tiêu chảy liên tục (trên 3 lần trong khoảng 4 giờ), rối loạn điện giải, đôi khi kèm theo tức ngực, khó thở…
Khi trẻ bị tiêu chảy cần cho trẻ uống thêm dung dịch bù nước (ORS) sau mỗi lần đi tiêu lỏng hay sau khi nôn ói.
Khi trẻ bị tiêu chảy cấp (do rotavirus, nhiều hơn 10 lần/ngày), việc sử dụng kháng sinh và các men tiêu hóa vi sinh cần phải theo chỉ định của bác sỹ, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc trị tiêu chảy.
Chăm sóc:
Đối với trẻ bị tiêu chảy, cần cho trẻ đi khám bệnh để xác định nguyên nhân gây tiêu chảy và có chỉ định điều trị thích hợp, không được tự ý cho trẻ uống thuốc cầm, sẽ rất nguy hiểm.
Thông thường, trẻ tiêu chảy dù là nguyên nhân gì cũng cần được bù nước và chất điện giải tại gia đình bằng cách cho trẻ uống dung dịch orezol. Việc pha dung dịch orezol cũng cần tuân thủ đúng quy cách, nếu không, mặc dù trẻ được uống orezol nhưng không có tác dụng bù nước và chất điện giải.
Tuyệt đối không chia nhỏ gói orezol ra để pha, bởi vì trong mỗi một gói orezol người ta đã cân đủ số lượng muối cần thiết để đưa vào cơ thể, nếu chia nhỏ thì mỗi một phần orezol được pha sẽ không đủ các chất muối cần bù cho trẻ.
Ngoài ra, khi cho trẻ dùng thức ăn thì chỉ cho ăn với liều lượng ít một để cơ thể bé không bị mệt mỏi.
Phòng bệnh:
Sự lây lan của virus Rota thường thông qua đường miệng,quá trình hô hấp. Vì vậy,người lớn cần chú ý vệ sinh an toàn thực phẩm, khử trùng dụng cụ nấu ăn trước khi nấu nướng. Thực phẩm cần đặt nơi sạch sẽ thoáng mát. Đặc biệt, không để con tiếp xúc với những trẻ đang mắc bệnh.
Các bậc phụ huynh cần lưu ý cho trẻ ăn đủ về lượng và chất cũng như ăn các loại quả có nhiều vitamin C như cam, chanh, xoài... Tuyệt đối tránh quan niệm ăn kiêng khi trẻ bị tiêu chảy hay mắc bệnh về đường hô hấp bởi khi mắc bệnh trẻ rất cần được bổ sung dinh dưỡng để mau phục hồi sức khỏe.
Theo vietnammoi
Xem thêm:
Nên cho con học trường công hay tư
Cách chăm sóc trẻ mầm non luôn hạnh phúc
Phương pháp dạy trẻ lỳ lợm, bướng bỉnh