NHỮNG ĐIỀU CHA MẸ CẦN LƯU Ý KHI MẮNG TRẺ

29/ 07/ 2019 17:18:00 0 Bình luận

 Tất cả chúng ta, ai cũng hiểu rằng môi trường đầu tiên trẻ được học là gia đình, học từ cha mẹ và người thân. Những gì trẻ nghe, trẻ thấy sẽ ăn sâu vào tiềm thức của con mãi về sau. 

 Người lớn - những bậc làm cha làm mẹ đều nghĩ rằng những câu quát mắng con là hết sức bình thường, vô hại nhưng thực chất nó lại vô tình hằn sâu trong trái tim các con một vết thương tinh thần. La mắng sai cách sẽ không làm con tốt lên mà thậm chí còn khiến con có cảm giác sợ hãi, ám ảnh...

 Hiểu được điều đó, sau đây Cầu Vồng sẽ đưa ra những điều bố mẹ nên lưu ý khi mắng con để giúp con tốt lên mỗi ngày.

1. Kiềm chế cảm xúc tiêu cực

" Roi vọt không làm trẻ nên người

Yêu thương mạnh hơn lời quát mắng "

 Quan niệm “thương cho roi cho vọt” không nên hiểu một cách máy móc theo nghĩa đen với sự trần trụi của những làn roi quất vào người. “Roi vọt” cần được hiểu theo ý nghĩa tinh thần, là sự nghiêm khắc, mẫu mực của bố mẹ đối với con cái. Yêu thương con là làm bạn cùng con, dùng tình cảm dạy con, dùng chính lối sống, đạo đức của mình làm tấm gương cho con. Không phải chúng ta phạt đòn lỗi lầm của trẻ mà quan trọng là phân tích cho con thấy được cái sai, nhận thức cần làm gì và cần tránh điều gì.

 Ở độ tuổi các con còn nhỏ, chưa hiểu được hết hoàn toàn những điều người lớn nói nên con bướng bỉnh, cha mẹ hãy cố gắng kiềm chế cảm xúc tiêu cực và giữ bình tĩnh. Có nhiều trường hợp do chúng ta quá nóng giận nên lỡ tay đánh con - hành động này sẽ không giải quyết được vấn đề mà cả con và cha mẹ đang gặp phải. 

 Thay vì trách mắng, hãy nhẹ nhàng chia sẻ cảm xúc của mình cho con nghe vì như vậy sẽ tránh được việc xúc phạm con và đồng thời giúp con hiểu bố mẹ hơn. 

2. Lắng nghe con nói

 Trong quyển Cân bằng mong manh, tác giả Rohinton Mistry có viết: Hãy tìm kiếm một ai đó có khả năng lắng nghe bạn, hãy chậm rãi kể lại thật tỉ mỉ, thật chi tiết, thật lòng bạn về cuộc đời bạn, về điều khó khăn, về niềm vui, về sự thật trần trụi mà bạn cần phải cho một ai đó biết.

 Nếu cuộc đời là một tấm chăn bông vải ghép mà ta lấy kéo cắt hết những ô màu xám xịt đen tối chỉ chừa lại những mảng màu sáng hoa văn sặc sỡ thì đó không còn là tấm chăn để giữ ấm cho bạn.

 Hãy tìm kiếm, hãy ngồi xuống bên cạnh ai đó. Hãy chia sẻ và bạn sẽ được nghe, được thấu hiểu... để giữ gìn ngọn lửa sống, niềm tin và nhận ra cuộc đời của bạn rất đáng sống. Phải sống, đó là hạnh phúc.

 Với trẻ con, còn ai là người xứng đáng để chúng tin tưởng kể về mình, ngoài cha mẹ?

 Những cảm xúc và cảm thức của trẻ nhỏ không phải là “chuyện nhỏ” mà trái lại, các con còn rất nhạy cảm vì chưa biết cách kiểm soát chúng, do vậy mà cha mẹ cần để cho bé thấy được mình đang tôn trọng, thấu hiểu, thông cảm những vấn đề con đang gặp phải để con thấy mình không bị lẻ loi.

 Mỗi khi con làm sai điều gì, dù đó là chuyện to hay nhỏ cha mẹ cũng đừng vội vàng phán xét, trách móc mà hãy bình tĩnh nhìn nhận lại toàn bộ sự việc. Sau đó dành thời gian bên con, có thể là chơi cùng con, đọc sách cùng con để từ đó kết hợp trò chuyện, trao đổi " Hôm nay con có chuyện gì à? ", " Con cảm thấy việc mình làm có đúng không?" , " Vậy con đã có cách giải quyết chưa?"

 Lắng nghe - là việc của người làm cha mẹ, hãy nghe thật tận tâm từ thơ bé, lắng nghe với sự bình tĩnh, tận tụy, chân thành. Lắng nghe trong im lặng, lắng nghe với yêu thương và lắng nghe với trí tuệ sâu thẳm mà bản thân người nghe tự khám phá, tự hiểu biết qua thời gian sống của chính cuộc đời mình, chứ không phải từ lời một ai đó dạy mình phải nghe.

3. Dứt khoát khi cần

 Ngoài việc tiết chế cảm xúc nóng giận, chúng ta cũng cần phải nghiêm khắc và cứng rắn khi con làm điều sai trái mà không thể chấp nhận được. 

 Chẳng hạn cấm tuyệt đối việc sờ tay vào ổ cắm điện, leo trèo cạnh cửa sổ,... Nếu con bướng bỉnh trong những lúc như vậy, bạn có thể im lặng kéo con ra chỗ khác mà không cần mềm mỏng hay giải thích gì. Cứ để cho con hờn khóc một lúc, rồi giải thích lần nữa cho con tại sao không nên làm thế. Cha mẹ phải dứt khoát khi giáo dục trẻ, nếu cần phải biến lời đe doạ thành hình phạt ngay và con sẽ không bướng được lâu.

 Quan trọng hơn, cha mẹ hãy nên thừa nhận sai lầm nếu chúng ta làm sai, hãy xin lỗi con nếu mhìn lỡ mắng sai bé để bé cũng biết học cách nhận lỗi và sửa lỗi khi chúng sai phạm. Nếu cả người lớn cũng không làm được điều đó thì con bạn sẽ trở nên không biết nhận sai và sửa sai đâu. Chúng ta hãy cùng làm gương cho con nhé!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin tức khác

PHẠM BẢO CHÂU - CÔ BÉ HẠT TIÊU 2 LẦN TRỞ THÀNH ĐẠI SỨ VĂN HÓA ĐỌC

PHẠM BẢO CHÂU - CÔ BÉ HẠT TIÊU 2 LẦN TRỞ THÀNH ĐẠI SỨ VĂN HÓA ĐỌC

26/03/2024

ĐIỂM ĐẾN TIẾP THEO CỦA PHONG TRÀO “CÙNG EM VỮNG BƯỚC TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG” - TRƯỜNG TIỂU HỌC XUÂN ĐỈNH

ĐIỂM ĐẾN TIẾP THEO CỦA PHONG TRÀO “CÙNG EM VỮNG BƯỚC TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG” - TRƯỜNG TIỂU HỌC XUÂN ĐỈNH

13/03/2024

ẤN PHẨM CẦU VỒNG GỬI LỜI XIN LỖI TỚI QUÝ ĐỘC GIẢ

ẤN PHẨM CẦU VỒNG GỬI LỜI XIN LỖI TỚI QUÝ ĐỘC GIẢ

09/03/2024

HỘI CHỢ XUÂN GIÁP THÌN 2024 TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC HỒ TÙNG MẬU

HỘI CHỢ XUÂN GIÁP THÌN 2024 TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC HỒ TÙNG MẬU

06/03/2024

ĐINH TRÚC QUYÊN - TIA CHỚP TRÊN SÂN TRƯỢT

ĐINH TRÚC QUYÊN - TIA CHỚP TRÊN SÂN TRƯỢT

06/02/2024

Viết bình luận