ĐIỂM SỐ VÀ CON
19/ 09/ 2019 08:37:00 0 Bình luận
Chắc hẳn tất cả các bậc phụ huynh đều mong muốn con mình học giỏi và luôn tìm cách để con trở nên giỏi hơn, chẳng hạn như kèm con học, cho con đi học thêm, thuê gia sư dạy tại nhà… Nhưng đến cuối cùng, thành tích học tập của con vẫn kém thì cha mẹ ứng xử như thế nào?
Trên thực tế, cha mẹ đều coi điểm số là tiêu chuẩn đánh giá tình hình học tập của con. Chỉ có một số ít người hiểu rằng, điểm số chỉ là một yếu tố tham khảo, điểm số cao hay thấp không hoàn toàn phản ánh được năng lực học tập của các con. Tuy nhiên, trong thời đại mà sự cạnh tranh về điểm số ngày càng khốc liệt như hiện nay, thì điểm cao hay thấp lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó có thể quyết định trẻ có được lên lớp, thăng chức hay không… Và như vậy, điểm số nghiễm nhiên trở thành mục đích, mục tiêu duy nhất để cha mẹ và con cái cùng theo đuổi.
Trẻ rất nhạy cảm, nếu người lớn chúng ta quá coi trọng điểm số và áp đặt con phải luôn đạt điểm cao, các con sẽ có phản ứng nhạy cảm hơn với điểm số. Dẫn đến tình trạng sợ hãi của con mỗi khi điểm thấp vì lúc đó, con sẽ bị mẹ la, giận dữ và điều đó sẽ vô tình làm tổn thương đến lòng tự trọng và sự cố gắng của con, ảnh hưởng tới sự tự tin và nhiệt tình trong học tập của trẻ. Vì thế mà các bậc phụ huynh cần nhớ: " Động viên trẻ học tập vì kiến thức chứ không phải vì điểm số "
1. La mắng trẻ vì điểm số chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Tại sao lại như thế?
Điều đầu tiên, la mắng không giải quyết được vấn đề con đang gặp phải ở trường. Nó chỉ khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn vì con bị áp lực, sợ cha mẹ mắng, sợ thầy cô la, sợ thua kém bạn bè,....
Thứ hai, la mắng là cách phụ huynh làm nản lòng trẻ và khiến chúng ngại ngần nhờ cha mẹ giúp đỡ trong việc học. Con sẽ không bao giờ nhờ đến cha mẹ giúp mình nếu con nghĩ rằng mình sẽ bị trừng phạt vì đã không làm tốt ngay từ đầu. Và sau một thời gian, trẻ sẽ cảm thấy chán nản, thất vọng đến mức không còn muốn cố gắng nữa.
Thứ ba, la mắng nhiều chỉ khiến con trẻ quen với nó, không chỉ vậy, nó còn làm trẻ thấy bực bội đến mức từ chối học cách cư xử tốt hơn.
Thứ tư, la mắng còn có tác động tiêu cực đến điểm số của trẻ trong tương lai. Bởi nếu các vấn đề vẫn chưa được giải quyết, trong khi áp lực học tập ngày một lớn hơn, còn trẻ lại không nhận được sự giúp đỡ từ cha mẹ thì trẻ sẽ chán học hơn, thành tích học thấp hơn.
2. Thay vào đó, có nhiều quy tắc đơn giản mà cha mẹ có thể áp dụng để giúp trẻ học tốt hơn
Tập cho con thói quen học bài ngay sau khi đi học về. Điều này sẽ đảm bảo trẻ hoàn thành các bài tập về nhà mà không cần phải thức khuya. Bên cạnh đó, thói quen này còn dạy con cách quản lý thời gian hiệu quả.
Hãy cho trẻ một không gian yên tĩnh để học bài bởi điều này có thể giúp con bạn tránh bị phiền nhiễu trong khi học, con sẽ tập trung hơn rất nhiều.
Cha mẹ hãy nhớ rằng phần thưởng mang lại hiệu quả hơn trừng phạt. Động viên trẻ học tốt ở trường bằng những phần thưởng sẽ là niềm khích lệ to lớn đối với con. Không cần phải là những bộ quần áo hàng hiệu hay bộ đồ chơi đắt tiền, chỉ đơn giản là cha mẹ cho con đi chơi công viên cũng đủ làm trẻ vui sướng rồi. Cha mẹ hãy hiểu rằng nếu trẻ quan tâm nhiều đến hình phạt, chúng sẽ chú ý đến việc cố gắng để mình không gặp rắc rối hơn là tập trung vào việc học cho tốt hơn.
Đọc sách cùng con cũng là một trong những phương pháp giúp con học tập hiệu quả hơn được nhiều bậc phụ huynh lựa chọn.
Con cũng cần được nghỉ ngơi bởi ép con học quá nhiều sẽ "lợi bất cập hại". Cha mẹ hãy cho trẻ được vận động, được vui chơi giải trí thông qua các hoạt động ngoại khóa, các bộ môn năng khiếu, chơi các sản phẩm đồ chơi thông minh phát triển tư duy thì tinh thần sảng khoái, đầu óc minh mẫn sẽ giúp các con học tốt hơn.
Hãy cho trẻ biết rằng cha mẹ luôn ở đây để giúp đỡ chúng, ngay cả khi có vấn đề phát sinh ở trường. Điều này cũng giúp trẻ tin tưởng và chia sẻ với bạn những gì chúng đang gặp khó khăn.
Mặc dù cha mẹ không nên kỳ vọng quá nhiều, nhưng cũng không nên xem chuyện con mình bị điểm kém là chuyện bình thường. Chúng ta nên động viên, khuyến khích trẻ cố gắng mỗi ngày "vượt lên chính mình".
Khi đã trưởng thành, chúng ta nhận ra rằng điểm số cao hay thấp không phải là điều gì ghê ghớm lắm, không phải ai học giỏi, điểm cao khi đi học cũng sẽ thành đạt và không phải bị vài ba điểm kém sẽ là người kém cỏi. Nhớ lại thời học sinh đã từng lo lắng, căng thẳng ra sao mỗi lần đến tiết kiểm tra hay hồi hộp, hy vọng khi giáo viên trả bài, đọc điểm... mới thấy việc người lớn luôn yêu cầu hay kỳ vọng con cái phải đạt điểm cao là không cần thiết.
Điểm số không nói lên điều gì trong tương lai mỗi người nhưng cách ứng xử của chúng ta với điểm số thì lại tạo ra rất nhiều tiêu cực trong hiện tại. Spencer Johnson, nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ cũng từng nói rằng: “Là người làm cha mẹ, tuyệt đối không nên quá xem trọng điểm số thi cử của con mà nên chú ý đến việc bồi dưỡng phương pháp học tập và khả năng tư duy của trẻ. Tuyệt đối không nên chỉ dựa vào điểm số mà phán đoán ưu điểm của trẻ, càng không nên khiến trẻ vì việc này mà hình thành nên quan điểm về danh dự và nhục nhã”.