KIỀM CHẾ CƠN GIẬN DỮ CỦA TRẺ
25/ 09/ 2019 10:38:00 0 Bình luận
Việc một đứa trẻ tức giận, la hét, ăn vạ đối với bố mẹ dường như là một vấn đề rất đau đầu, là những hành vi không thể chấp nhận được. Nhưng theo các nhà tâm lí học, việc trẻ em tức giận là việc hoàn toàn bình thường và chấp nhận được. Những đứa trẻ sẽ hành động theo bản năng nhiều hơn theo lí trí và có cảm xúc mạnh mẽ, khả năng kiềm chế cảm xúc thấp hơn người lớn. Chính vì thế, khi không có được món đồ mình muốn, khi không được đáp ứng yêu cầu… trẻ sẽ tức giận và thể hiện sự tức giận của mình rất mạnh mẽ. Những cách ứng xử của trẻ khi tức giận có thể khiến bố mẹ tức giận và hành động không kiểm soát: la hét trở lại, mắng mỏ, thậm chí là phạt trẻ. Nhưng những cách đó liệu có hiệu quả?
Cơn giận của trẻ rất khó để trấn an, các con dường như chất chứa trong cơ thể nhỏ bé sự tức giận vô bờ khiến con dễ nổi cáu, la hét, khóc lòng, ăn vạ. Nếu bạn là bậc cha mẹ đang vất vả trấn an đứa con hay nổi cáu của mình, chúng ta cần phải dạy cho con những kỹ năng lành mạnh để kiềm chế cảm xúc. Hãy cùng Cầu Vồng tìm hiểu các phương pháp hữu ích dưới đây nhằm giúp con mình kiềm chế cơn giận nhé.
1. Khi trẻ giận dữ, khuyến khích trẻ ngừng lại và suy nghĩ về những hậu quả có thể xảy ra, cho con biết, con có quyền cảm thấy tức giận nhưng cần kiểm soát cơn giận một cách đúng mức
Trẻ con thường nổi cáu khi không thể diễn tả cảm xúc của mình. Một đứa trẻ không thể nói mình đang nổi nóng sẽ la hét để bạn thấy nó đang giận. Hay một đứa trẻ không biết mình đang buồn có thể sẽ gây chuyện để cha mẹ chú ý.
Hãy bắt đầu dạy con những cảm xúc cơ bản như vui buồn giận sợ. Hãy nói: “Con đang giận à?” để con bạn biết mình đang cảm thấy thế nào. Dần dần, chúng sẽ học được cách ghi nhận cảm xúc. Khi bé hiểu hơn về cảm xúc bản thân và biết cách miêu tả chúng rồi, hãy dạy con những từ phức tạp hơn như bực bội, thất vọng, lo lắng và cô đơn.
2. Giúp con giải tỏa cơn giận
Một trong những cách tốt nhất để giải tỏa bực bội trong trẻ là dạy con những kĩ năng cụ thể. Ví dụ như hít thở sâu có thể trấn an tâm trí và cơ thể trẻ khi bé buồn bực. Đi dạo, đếm tới 10 hoặc lặp lại những cụm từ hữu ích cũng có tác dụng. Hãy dạy con một số kĩ năng khác như kĩ năng kiềm chế cảm xúc và tự kiểm điểm. Trẻ con dễ cáu giận cần được chỉ bảo tận tình những kĩ năng đó để giải tỏa buồn bực.
3. Hãy để con được yên tĩnh một mình
Để bé ở một mình không có nghĩa là phạt trẻ ở một mình vì tức giận mà là cho trẻ thời gian để nguôi giận. Nếu trẻ nghĩ đó là phạt và không muốn bị ở một mình, hãy ngồi bên cạnh trẻ. Và sau khi xả xong cơn tức giận, trẻ sẽ phải dọn dẹp lại “bãi chiến trường”.
4. Cho trẻ biết chắc rằng ba mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe khi con muốn được chia sẻ
Đừng vội đánh giá đúng sai với trẻ mà hãy thông cảm, thấu hiểu cho sự tức giận của con. Sau khi con bình tĩnh, hãy nhẹ nhàng ngồi cạnh hỏi thăm tại sao con tức giận, điều này sẽ giúp ba mẹ hiểu hơn về tâm lý, tính cách của bé. Việc lắng nghe con nói sẽ giúp ba mẹ biết được tâm tư, mong muốn của con, giải thích cho con hiểu việc tức giận sẽ ảnh hưởng đến chính con và những người xung quanh như thế nào để từ đó giúp con đưa ra phương án giải quyết phù hợp.
Con trẻ không được sinh ra với khả năng kiềm chế cảm xúc và hành động, chính vì thế trẻ mới cần bố mẹ định hướng, hướng dẫn để có thể lớn lên, hoàn thiện các kĩ năng kiểm soát cảm xúc và hành động. Hãy nhìn nhận những cơn tức giận của trẻ một cách cảm thông như là một quyền của trẻ bởi vì chúng là trẻ con. Đó cũng là cơ hội tốt để bạn giáo dục trẻ, dạy trẻ kĩ năng giải quyết vấn đề, rèn luyện trí tuệ cảm xúc.