KỈ LUẬT HỢP LÝ KHI CON PHẠM LỖI
16/ 09/ 2019 15:37:00 0 Bình luận
Yêu thương con cái luôn là điều dễ dàng, nhưng kỷ luật lại chưa bao giờ dễ dàng. Nếu chúng ta muốn các con biết đúng sai, tự chủ và có cách cư xử đúng đắn thì nhất định phải dạy con. Điều đó nghĩa là bên cạnh sự yêu thương, nâng niu, cần phải có kỷ luật để rèn các con vào nếp. Tuy nhiên, kỷ luật như thế nào để có thể rèn được con, nhưng bé vẫn yêu thương ba mẹ và không cảm thấy bị ghét bỏ, hãy cùng Cầu Vồng tìm hiểu các thông tin dưới đây nhé!
1. Hiểu hành vi của con
Hay nói cách khác là đánh giá đúng các vấn đề, cách hành xử của con để hiểu tại sao bé lại phản ứng như vậy.
Naomi Aldort, tác giả cuốn sách “Raising Our Children, Raising Ourselves” (tạm dịch: Nuôi dạy con cái, nuôi dạy chính mình) cho rằng trẻ con luôn muốn ứng xử tốt; nếu chúng hành xử sai thì hẳn là phải có lý do nào đó.
“Điều quan trọng nhất là cha mẹ phải nhận ra rằng bất kể con đang làm gì, dù chúng ta có thể coi đó là hư, nhưng thực ra con chỉ đang làm việc đó hết sức mình mà thôi. Ba mẹ có nhiệm vụ tìm ra nguyên nhân tại sao con làm như thế” – Aldort chia sẻ
Cho nên, điều ba mẹ cần làm chính là hiểu ý nghĩa đằng sau hành vi của trẻ để các con cảm thấy mình được thấu hiểu, tôn trọng và sẻ chia. Một khi hiểu được căn nguyên của hành vi, chúng ta có thể dễ dàng loại bỏ nguyên nhân đó hoặc chữa lành những cảm xúc và đứa trẻ sẽ không còn động cơ làm như vậy nữa.
Trước những hành động không đúng mực của con, ba mẹ hãy tự hỏi liệu có phải các con gây sự hay con đánh anh/chị/em là vì muốn thu hút sự chú ý của bạn? Có phải trẻ tự dưng bực tức là vì trẻ có những ức chế tâm lý mà không diễn tả thành lời?…
Hãy mang đến cho con một tâm lý thoải mái để chứng tỏ rằng bạn luôn theo sát con, luôn đồng cảm và sẻ chia, thấu hiểu mọi hành động của con.
2. Tôn trọng con
Đây là 1 trong những điều quan trọng mà ba mẹ cần lưu ý bởi tâm lý người lớn chúng ta thường cho rằng mình đúng.
Hãy nhớ rằng các con đang lớn lên và trong quá trình hình thành nhận thức, nhân cách nên sẽ không tránh khỏi những sai lầm, thậm chí bản thân người lớn chúng ta đôi khi còn mắc phải. Do đó, chúng ta phải chấp nhận rằng bé không thể hoàn hảo như chúng ta mong muốn. Và cho dù con có làm chúng ta buồn và thất vọng đến mức nào thì con cũng cần tình thương và sự tôn trọng của ba mẹ dành cho mình.
+ Mỗi khi con làm sai điều gi: Ba mẹ đừng làm con xấu hổ hay hạ thấp giá trị bản thân của bé, thay vì chê con " Thật ngu dốt ", hãy nhẹ nhàng phân tích " Con làm như thế này chưa đúng rồi"
+ Ba mẹ hãy là một tấm gương tốt, hành xử theo cách mà chúng ta mong muốn con chúng ta làm. Ngược lại, với những hành xử không tốt của ba mẹ, chúng ta đã gửi đến con những thông điệp xấu.
3. Nhất quán trong việc kỉ luật
Có rất nhiều gia đình, ba mẹ không thống nhất được phương pháp dạy con dẫn đến việc con không biết được việc nào đúng, việc nào sai. Vì vậy muốn kỉ luật con cái hiệu quả, ba mẹ cần nhất quán về những nguyên tắc ứng xử, qui định cho bé.
Việc nhất quán kỉ luật không chỉ diễn ra trong gia đình, mà ngay tại những nơi công cộng cũng cần áp dụng. Ví dụ: Nếu chúng ta chỉ cho con ăn kem tuần 1 lần, thì không nên phá vỡ điều đó chỉ vì con giận dữ và khóc lóc ở nơi công cộng.
Đừng phá vỡ các quy tắc kỷ luật bằng cách nhân nhượng con, vì một khi đã được đáp ứng nhu cầu, trẻ sẽ tiếp tục tái diễn thói quen xấu ở những lần sau.
4. Làm gương cho trẻ
Có thể nói trong nhiều phương pháp giáo dục con, thì không lúc nào có thể bỏ qua phương pháp nêu gương. Con có thể không luôn luôn làm theo điều ba mẹ nói nhưng chúng có thể học theo và làm những điều chúng nhìn thấy từ ba mẹ của mình.
Mặt khác, có lẽ điều ai cũng công nhận là không có gì tuyệt đối và hoàn hảo trên cuộc đời này cả. Do vậy, trong vai trò làm cha mẹ, chúng ta không nhất thiết phải là người không bao giờ sai sót, không cần phải “gồng mình lên” để trở nên hoàn hảo trong mắt con, vì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi và dễ phạm phải sai lầm. Tai hại hơn, đứa trẻ cũng có thể cố gắng đạt được “sự hoàn hảo” như ba mẹ thể hiện và có nguy cơ rơi vào sự thất vọng hoặc mặc cảm về bản thân.
Dũng cảm nhận lỗi và xin lỗi con khi cha mẹ làm điều không tốt, không đúng hoặc gây tổn thương cho con sẽ là một bài học cụ thể và về việc tuân giữ các quy tắc ứng xử tích cực của xã hội. Và còn một điều nữa ba mẹ cần nhớ " Roi vọt không làm trẻ nên người. Yêu thương mạnh hơn lời quát mắng "