Halloween 2018 là ngày mấy, có ý nghĩa gì?
23/ 10/ 2018 08:52:53 0 Bình luận
Halloween hay còn gọi là Lễ hội hóa trang là ngày được giới trẻ nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam tổ chức rầm rộ và được coi là một dịp để vui chơi. Vậy Halloween 2018 là ngày mấy và nó có ý nghĩa gì? Hãy cùng Cầu Vồng tìm hiểu về lễ hội halloween cũng như ý nghĩa thực sự của ngày hội này.
Lễ hội halloween 2018 là ngày mấy?
Halloween có tên gốc là All Hallows’Eve, có nghĩa là đêm trước Ngày lễ các thánh. “Hallow” là một từ tiếng Anh cổ có nghĩa là “thánh” và cuối cùng đổi là Halloween.
Trước đây, Halloween có xuất xứ từ Thiên Chúa giáo, được viết rút gọn từ "All Hallows' Evening", là một lễ hội diễn ra vào ngày đầu tiên của tháng 11, tháng cầu cho các linh hồn đã qua đời.
Tuy nhiên cũng có tài liệu cho rằng, ngay từ thế kỷ 5 trước công nguyên người Celtic ở Ai-len đã kỷ niệm ngày này vào ngày 31/10, tức là ngày cuối cùng của mùa hè như là một nghi lễ mừng năm mới.
Từ đó, hằng năm cứ vào ngày cuối tháng Mười, là ngày 31/10, trẻ em và người lớn trên khắp thế giới lại háo hức đón lễ hội halloween. Vào ngày này, trẻ con có thể hóa trang đến gõ cửa nhà hàng xóm để xin bánh kẹo; dự tiệc hóa trang, đốt lửa, tổ chức các trò đùa cợt, xem phim hoặc kể chuyện kinh dị.
Năm 2018, lễ hội Halloween vào thứ Tư, ngày 31/10.
Nguồn gốc, ý nghĩa của lễ hội Halloween:
Lễ hội Halloween được cho là bắt nguồn từ dân tộc Celt, là một dân tộc sống cách đây hơn 2.000 năm trên các vùng đất bây giờ là Anh quốc, Ái Nhĩ Lan và miền Bắc nước Pháp.
Halloween đến Mỹ do những di dân đầu tiên, đa số đến từ Anh Quốc và một số từ các vùng thuộc dân tộc Celt, họ đã đem qua Mỹ khá nhiều phong tục khác nhau. Nhưng vì nhiều lý do, mãi đến thập niên 1800 mới trở thành tục lệ được nhiều người hưởng ứng.
Trước đây, lễ hội Halloween mang ý nghĩa tôn giáo tuy nhiên hiện nay, khắp trên thế giới đều coi lễ hội Halloween là một lễ hội vui chơi với những quả táo của lễ hội Pomona, con mèo đen của lễ hội Sanhaim và những con ma, bộ xương của ngày lễ các thánh và các linh hồn...
Ngày lễ Halloween của phương Tây gần giống với ngày Xá tội vong nhân rằm tháng 7 của phương Đông với quan niệm là ngày mở cửa địa ngục, các linh hồn được phép lên cõi dương đoàn tụ với gia đình.
Tuy nhiên, ngày này người phương Đông coi trọng đến vật chất, đó là nguồn gốc của tục cúng cô hồn, nấu cháo lá đa cho những linh hồn đói khổ. Người phương Tây lại chú trọng đến tinh thần, họ hóa trang thành ma quỷ để những hồn ma cô độc không cảm thấy cô đơn, hay một số nơi là để ma quỷ không biết là người sống mà nhập vào.
Người phương Đông coi đây là một ngày để tưởng nhớ người đã khuất, người phương Tây lại coi đây là một dịp lễ hội để vui chơi.
Ở các nước phương Tây, lễ hội halloween được tổ chức vào buổi tối trước Lễ Các Thánh trong Kitô giáo Latinh. Đây là ngày bắt đầu Tuần Tam nhật Các Thánh khoảng thời gian trong năm phụng vụ dành để tưởng nhớ những người đã chết, gồm các vị thánh, các vị tử đạo và tất cả các tín hữu trung kiên đã qua đời.
Nhiều ý kiến cho rằng, Halloween bắt nguồn từ các lễ hội thu hoạch của người Celt mà có thể mang gốc rễ ngoại giáo, đặc biệt là lễ hội Samhain của người Gael. Chính vì vậy, nhiều tập tục Halloween ngày nay được cho là chịu ảnh hưởng từ thực hành dân gian của người Celt. Trong số đó, có liên quan nhiều nhất là lễ hội Samhain.
Lễ hội Halloween kể từ đầu thế kỷ 19 mang nhiều đặc tính Mỹ, pha trộn và phát triển từ các tục lệ của dân nhập cư, trong khi đó có những tập tục lại bị lãng quên ngay tại nguồn gốc của chúng là châu Âu.
Tuy nhiên, so với châu Âu, các truyền thống tôn giáo của Halloween tại Bắc Mỹ bị phai nhạt nhiều hơn. Ngày nay ở nhiều nơi, Halloween chủ yếu mang tính thế tục, giải trí và thương mại.
Truyền thuyết về lễ hội Halloween
Theo truyền thuyết của nước Ái Nhĩ Lan (Ireland) thì từ ngữ “Jack-ó-lanterns” đến từ một người có tên là Jack.
Jack là một chàng thiếu niên đã chết nhưng linh hồn không được phép lên Thiên Đàng vì lúc sống, anh ta vốn là một người tham lam, bủn xỉn, thường cất giấu tiền bạc, keo kiệt không hề bố thí cho ai một chút gì.
Thế nhưng anh ta lại cũng không thể xuống Địa Ngục vì lúc còn sống anh ta đã từng chơi đùa với ma quỷ, nên quỷ không bắt anh.
Chuyện kể rằng, trước đó có con quỷ đến quấy phá một vùng dân cư, người dân đến cầu cứu các vị tu sĩ đem các vật thánh đến “yểm” và “khóa các cửa” ra vào.
Nhờ vậy, con quỷ bị bắt… Jack nhận ra đó là con quỷ thường vui đùa với mình và Jack đã tìm cách gỡ vật “yểm ma quỷ” mở đường cho quỷ chạy thoát. Để đền ơn cứu mạng, quỷ hứa với Jack là sẽ không bắt hồn Jack về Địa Ngục.
Do đó, khi Jack chết vì một tai nạn, linh hồn Jack bị Thiên Đường từ chối. Jack liền tìm đến Địa Ngục, nhưng quỷ không cho vào vì lời hứa trước đây.
Thấy Jack lạnh lùng khổ sở, quỷ bèn lấy một ít than hồng ở Địa Ngục bỏ vào trong ruột một quả bí ngô và đưa cho Jack để sưởi ấm trên đường trở lại trần gian.
Để cho không khí thông vào nuôi lửa, Jack phải đục thủng quả bí ngô.. và ánh lửa từ trong đã chiếu ra soi sáng nẻo đường lang thang của Jack. Có lẽ Jack phải cầm đèn đi lang thang trên mặt đất cho đến ngày phán xét cuối cùng của nhân loại.
Nguồn: Sưu tầm