DẠY CON TRƯỞNG THÀNH SAU VẤP NGÃ
20/ 09/ 2019 15:19:00 0 Bình luận
Jack Ma - tỉ phú Trung Quốc, người sáng lập và xây dựng thương hiệu thương mại trực tuyến khổng lồ Alibaba. Vốn sinh ra trong gia đình có điều kiện sống thiếu thốn và nhiều khó khăn về vật chất. Sau này khi lớn lên, ông cũng từng bị từ chối nhiều lần mỗi khi đi xin việc hay phỏng vấn. Thế nhưng Jack Ma luôn có thái độ tích cực khi đứng trước thất bại cũng như sự thiếu thốn về mặt kinh tế. Và những bài học, kinh nghiệm quý báu của ông được xem là vô cùng hữu ích và trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ tương lai, trong đó có nhiều bài học đắt giá dành cho các bậc cha mẹ nếu muốn dạy con trưởng thành và gặt hái được thành công sau mỗi lần thất bại.
Chia sẻ kinh nghiệm với các nhà lãnh đạo trẻ tại Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức ở Davos, Thụy sĩ, Jack Ma có nói: “Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải là chúng ta đạt được thành tựu lớn như thế nào, mà là chúng ta đã trải qua những ngày tháng khó khăn và nhiều thất bại ra sao”. Ông cũng gửi gắm bài học dạy con đến các bậc cha mẹ: “Nếu con muốn thành công, hãy học hỏi từ những sai lầm của người khác, chứ đừng chỉ học từ những câu chuyện thành công”.
Trên thực tế, chắc hẳn ai trong số chúng ta - những bậc làm cha làm mẹ cũng đã từng kì vọng con mình học giỏi, đạt nhiều thành tích như mình momg muốn. Chúng ta cứ mải miết " áp đặt kì vọng " vào con, thay vì để con tự thực hiện, chính chúng ta lại làm giúp con điều ấy.
1. Hãy để con tập làm một người lính
Có thể nhiều bậc phụ huynh biết rằng "để con tự trải nghiệm sự thất bại" là một điều tốt nhưng không ít người làm được vì bố mẹ không nỡ nhìn thấy con vấp ngã. Cha mẹ đừng quá vội vã, hãy để con tự đối diện với thử thách, vấp ngã và kiên nhẫn, quan sát con trưởng thành qua từng ngày. Mỗi khi bé thất bại, làm sai, dẫn đến hư hỏng thì thay vì quát mắng và đay nghiến về những lỗi lầm của con, thì cha mẹ nên khéo léo trao đổi thêm với con để tìm hiểu vì lý do nào gây ra thất bại để từ đó giúp con tìm ra phương hướng giải quyết.
2. Hãy để con tự lập
Thấy con mình có bài về nhà Toán mà không chịu làm vì nó ghét môn học đó, thử hỏi có bao nhiêu bà mẹ nóng lòng giục giã con, thậm chí quát tháo, buộc con phải ngồi vào bàn học, ra điều kiện làm xong mới được đi chơi hay chỉ nhắc nhẹ nhàng một lần để con có ý thức không quên nhiệm vụ? Chắc chắn là số đông các bậc phụ huynh sẽ không thể yên tâm được khi thấy con không tự giác học tập. Hành động này của bố mẹ sẽ khiến con cảm thấy chán ghét cả việc học.
Theo nghiên cứu, những đứa trẻ có bố mẹ thích kiểm soát không tự mình hoàn thành nhiệm vụ được giao còn những đứa trẻ được thoải mái lựa chọn khi gặp khó khăn, chúng đã dốc sức để suy nghĩ và đã thử rất nhiều cách để hoàn thành nhiệm vụ. Những đứa trẻ như thế không dựa dẫm vào sự điều khiển của người lớn và chúng hoàn toàn có thể tập trung, học hỏi, tự tổ chức và tự điều khiển cuộc sống của chính mình.
Các con có thể làm được nhiều việc hơn các bậc phụ huynh luôn nghĩ và điều đó phụ thuộc vào cách xử sự của bố mẹ. Con hoàn toàn có thể quét dọn nhà và rửa bát chén nhưng trước tiên, cha mẹ có thể phải chấp nhận nghe tiếng bát đĩa rơi vỡ lẻng xẻng, đồ đạc bị sắp xếp lộn xộn hay quần áo bị nhét bừa bãi vào tủ quần áo chứ không hề được gấp gọn như ý muốn của cha mẹ. Bởi các con còn quá nhỏ để có đủ nhận thức như người lớn, vì thế mà cha mẹ hãy kiên nhẫn, quan sát con mỗi ngày để thấy được sự trưởng thành của con nhé!
3. Khen ngợi và động viên những nỗ lực của con
Rõ ràng lời khen mang lại nhiều cảm xúc tích cực cho mọi người, đặc biệt với trẻ ở độ tuổi đang phát triển và hình thành nhân cách, lời khen giống như chất xúc tác tạo nên động cơ hoạt động, học tập và phát triển nhận thức của trẻ. Khen ngợi đúng cách giúp con hào hứng, vui vẻ, là phần thưởng tinh thần vô cùng quý giá. Trong học tập, thi đua, khen ngợi là động lực giúp con cố gắng đạt thành tích cao. Trong đời sống, khen ngợi giúp con biết được đâu là việc tốt cần phát huy và đâu là việc không nên làm.
Lời khen sẽ phát huy tác dụng khi cha mẹ biết cách khen ngợi một cách hợp lý. Cách khen có hiệu quả là ca ngợi sự nỗ lực của trẻ và khích lệ bé tiếp tục nỗ lực trong mọi việc. Khi con được khen vì sự cố gắng chứ không phải thông minh, bé sẽ không tự đề cao khả năng của mình mà thay vào đó, con sẽ có động lực tìm cách tốt nhất để hoàn thành công việc.
Bên cạnh đó khen ngợi sự nỗ lực của trẻ là cách giúp con hình thành tư tưởng phấn đấu, học hỏi, không ỷ lại vào bất cứ điều gì. Khi con hiểu được rằng thành công có được nhờ sự nỗ lực, bé sẽ càng có động lực để cố gắng và không ngừng học hỏi người khác, không tự cho mình giỏi mà bỏ qua cơ hội tiếp thu những kiến thức mới. Khi gặp thử thách hay khó khăn con luôn có tự tin để vượt qua tốt hơn, nhờ ý thức rằng chỉ cần nỗ lực sẽ thành công.